Bắt đầu quá trình chuyển đổi sang IFRS từ đâu

Bắt đầu quá trình chuyển đổi sang IFRS từ đâu

Bắt đầu quá trình chuyển đổi sang IFRS từ đâu

Sự phát triển của thị trường chứng khoán và sự gia tăng toàn cầu hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự tương thích trong hệ thống báo cáo

Từ năm 2001 đến 2005, BTC ban hành 26 Chuẩn mực Kế toán VN (VAS) dựa trên Chuẩn mực kế toán Quốc tế (IAS) và chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế (IFRS), có bổ sung và thay đổi “cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”. Tuy nhiên, VAS chỉ ứng dụng một phần của bộ chuẩn mực IFRS dẫn đến sự không đồng bộ trong VAS. Hơn thế nữa, từ năm 2005 đến nay, VAS không được cập nhật hoặc chỉnh sửa trong khi IFRS và IAS đã và đang thay đổi rất nhiều do quá trình hợp nhất giữa IFRS và US GAAP. Điều này dẫn đến một sự khác biệt lớn giữ VAS và IFRS. Ngày 16 tháng 03 năm 2020, BTC đã ban hành quyết định số 345/ QĐ- BTC phê duyệt đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam. Từ 2022 đến 2025, các doanh nghiệp được tạo điều kiện để áp dụng IFRS tự nguyện. Sau đó là giai đoạn bắt buộc lập báo cáo tài chính hợp nhất IFRS đối với các đối tượng bao gồm công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, Công ty mẹ là công ty niêm yết, Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết. Việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS của Việt Nam là một yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể hộp nhập và gia nhập ở mức độ cao hơn nữa vào thị trường tài chính quốc tế cũng như đón nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài các ảnh hưởng tích cực của việc áp dụng IFRS đối với các doanh nghiệp, sẽ có rất nhiều thách thức không nhỏ đang chờ đón họ ở phía trước.

Vậy doanh nghiệp phải bắt đầu chuyển đổi sang IFRS từ đâu.

Để hoàn thành báo cáo IFRS hoàn chỉnh vào 31 tháng 12 năm 2023 , bây giờ là thời điểm bắt đầu. Tùy theo ngân sách đầu tư với chuyển đổi IFRS và mức độ sẵn sàng chuyển đổi, doanh nghiệp có các phương án chuyển đổi sau đây:  

Giải pháp thủ công

Đây là phương pháp chuyển đổi dựa trên việc xác lập các mô hình tính toán thủ công (ví dụ: Excel, …) để tính toán các ảnh hưởng và lập các bút toán điều chỉnh để chuyển đổi sang báo cáo IFRS, dựa vào nhiều nguồn thông tin và các quy trình thu thập dữ liệu thủ công. Phương pháp này có thể triển khai nhanh chóng với chi phí thấp, ít tác động đến hệ thống thông tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí theo dõi, cập nhật mô hình tính toán và điều chỉnh dữ liệu cao, khả năng sai sót khi lập báo cáo tài chính lớn. Một số doanh nghiệp có thể dùng cách tiếp cận này như biện pháp ngắn hạn kết hợp với một kế hoạch chuyển đổi dài hạn.  

Giải pháp kết hợp giữa thủ công và tự động hóa

Cách tiếp cận này dựa trên sự kết hợp giữa chuyển đổi thủ công và hỗ trợ của hệ thống tùy theo nhu cầu và sự sẵn sàng của đơn vị. Đây là biện pháp ngắn hạn trong lúc phát triển các giải pháp chuyển đổi một cách toàn diện theo kế hoạch dài hạn. Việc chuyển đổi được thực hiện theo kế hoạch cụ thể, với các dự đoán và kiểm soát chi phí phát sinh của toàn bộ kế hoạch chuyển đổi, cũng như quản lý các ảnh hưởng lên hoạt động và hệ thống CNTT. Phương pháp này hạn chế rủi ro sai sót trên báo cáo tài chính và tăng mức độ tin cậy của dữ liệu so với giải pháp thủ công. Tuy nhiên, việc triển khai kết hợp thủ công và tự động hóa sẽ vẫn cần nhiều nguồn lực để thu thập dữ liệu, cũng như thời gian tương đối dài cho quá trình lập báo cáo IFRS mỗi kỳ.  

Giải pháp tự động hóa

Khi áp dụng giải pháp tự động hóa các quy trình hoạt động kinh doanh, các biểu mẫu thu thập dữ liệu sẽ đáp ứng yêu cầu ghi nhận và trình bày theo IFRS từ khi các nghiệp vụ phát sinh, hạch toán kế toán IFRS sẽ được thực hiện ở mức độ nghiệp vụ chi tiết trên hệ thống. Giải pháp này cho phép thực hiện các mô hình tính toán và lập báo cáo IFRS tự động trên hệ thống, cũng như hỗ trợ những báo cáo khác như Báo cáo quản trị tài chính và hoạt động, báo cáo theo luật định khác, báo cáo thường niên… Đây được đánh giá là giải pháp chuyển đổi dài hạn, nguồn lực đầu tư ban đầu cao, nhưng chi phí duy trì thấp, rút ngắn thời gian lập báo cáo IFRS cho từng kỳ và gia tăng mức độ tin cậy của thông tin. Vì vậy, triển khai IFRS tự động hóa là giải pháp ưu việt trong dài hạn.
[signature]